Giới Trẻ Và Cuộc Khủng Hoảng Từ Sự Thiếu Vắng Niềm Tin
Đôi lúc, trong một vài phút giây ngắn ngủi của cuộc sống bộn bề, tôi dừng lại, tự vấn bản thân: “Điều gì đã níu kéo mình lại với cuộc sống này?”
Có thể đối với nhiều người, câu hỏi ấy chung chung, mơ hồ, thậm chí vô nghĩa như một làn gió thoảng. Nhưng trong luồng suy nghĩ của tôi, dường như câu hỏi ấy mang trong mình một sức mạnh ghê gớm, như một quả tạ nặng trĩu đè lên mỗi chúng ta. Mỗi người cần phải suy nghĩ thật nghiêm túc, chín chắn, rằng: điều gì đã khiến cho sự tồn tại của chúng ta có ý nghĩa như nó vốn có, điều gì đã khiến ta cảm thấy cuộc sống này thật đáng sống?
Có thể mỗi người sẽ có những câu trả lời khác nhau cho những câu hỏi trên. Nhưng đối với tôi, câu trả lời duy nhất chính là: niềm tin.
Dường như đã từ rất lâu rồi, tôi không cảm nhận được sự hiện hữu của nguồn sức mạnh tinh thần to lớn này xung quanh cuộc sống của mình nữa. Quả không ngoa khi nói, chúng ta giờ đây sống không thiếu thứ gì, nhưng lại thiếu đi một thứ đáng ra phải có trước tất cả mọi thứ - đó là niềm tin.
Niềm tin có phải là thứ quá xa vời?
Sự thiếu vắng niềm tin từ lâu đã len lỏi trong những mối quan hệ giữa người với người…
“Trong thế giới này, chúng ta xót xa không phải vì hành động của những kẻ xấu, mà còn vì sự im lặng đáng sợ của những người tốt” – Martin Luther King
Đi trên đường, gặp một người bị tai nạn, bị cướp giật, bị dàn cảnh đánh đập, liệu bao người sẵn sàng dừng lại để giúp đỡ? Thông thường mọi người sẽ tặc lưỡi bỏ qua và tiếp tục công việc của mình, nhưng số còn lại thường sẽ cho rằng: “Chắc nó phải làm gì mới bị đánh như vậy” hoặc “Bây giờ mình có giúp cũng chẳng được gì mà có khi còn rước họa vào thân”.
Và với lối suy nghĩ như vậy của một đám đông người trẻ hiện nay, những vụ cướp giật, dàn cảnh, hay thậm chí là hiếp dâm vẫn xảy ra một cách ngang nhiên như nó vốn phải như thế, trước con mắt chứng kiến của những “người tốt”. Mọi thứ cứ thế công khai, hiển hiện ngay trước mắt nhưng lại thật lặng lẽ, bởi không một ai dám lên tiếng mặc dù đám đông kia thừa hiểu rằng những gì đang diễn ra trước mắt họ đáng bị lên án đến nhường nào.
Phần lớn mọi người đều cho rằng sự im lặng đến xót xa ấy là hệ quả của căn bệnh vô cảm. Nhưng có lẽ, nếu nhìn một cách sâu xa hơn, căn bệnh vô cảm kia rốt cuộc cũng chỉ là sự di căn của một căn bệnh khác dai dẳng, thâm căn cố đế - chính là sự thiếu vắng niềm tin. Sống trong một thế giới đầy sự giả dối, ngày ngày chỉ toàn chứng kiến những màn kịch được dựng lên nhằm hút máu lòng thương hại của những người tốt, thực sự, cũng không thể trách rằng con người ngày càng tha hóa, vô cảm. Chúng ta chỉ có thể thở dài bất lực trước một hiện thực rằng con người ngày càng đánh mất sự tin tưởng ở nhau, để rồi, chúng ta thu mình lại trong những cái kén riêng, không còn mảy may tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống; chúng ta đối xử với nhau trong sự nghi ngại rằng mình có thể sẽ bị lừa một vố đau. Sự thật thà, chân thành dường như không còn tồn tại nữa, thay vào đó là sự giả dối, lừa lọc.
Không chỉ có vậy, sự thiếu vắng niềm tin còn hiện hữu trong mối quan hệ của mỗi người với chính bản thân mình…
Chúng ta hoài nghi năng lực của bản thân, cho rằng có lẽ mình không đủ để bước vào một vị trí nào đó mặc dù chưa từng thử: chúng ta không dám thử đăng ký các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong hội nhóm và lý do chỉ là một cái tặc lưỡi “chắc mình không làm được đâu”; chúng ta không dám trải nghiệm những điều mới mẻ như một kiểu tóc mới, một bộ đồ mới hay một thú vui cũng vì không tin rằng mình đủ đẹp đẽ, sành điệu để hợp với chúng. Chúng ta, đôi khi, không đưa ra những lựa chọn của cuộc đời theo những gì bản thân mách bảo, hoài nghi chính những ước mơ, ý muốn của mình, cho rằng ước mơ thì luôn viển vông, vô vọng và không đem lại kết quả gì cho dù thực tế thì chưa chắc đã như vậy. Và hệ quả là chúng ta không còn tin tưởng vào chính bản thân mình nữa, chúng ta đánh mất sự can đảm để theo đuổi những lý tưởng của riêng mình.
Niềm tin đã mất, còn có thể gây dựng lại?
Chúng ta có thể cảm nhận rằng cuộc sống xung quanh đang ngày càng mất đi ý nghĩa của nó, rằng mọi thứ đang (có vẻ) như đang trở nên vô hồn hơn. Ngoài kia, con người đối xử với nhau lạnh lùng, vô cảm, còn trong tiềm thức của mình, họ cũng không cảm nhận được điều gì thôi thúc họ phải chia sẻ bất cứ cái gì với thế giới bên ngoài bởi nỗi sợ về một niềm tin sẽ vỡ vụn; còn trong tâm thức, nhiều người không thể hiểu nổi mình đang sống vì điều gì, ngày ngày chỉ lẳng lặng nhìn cuộc sống hối hả trôi qua trước ô cửa kính mà trong lòng không hề có một sự định hướng nào đủ vững chắc, đủ can trường để kéo họ đi tiếp.
Liệu chúng ta có nhận ra được rằng, điều duy nhất vẫn còn trống trải ở trong tâm thức của mình chính là niềm tin?
Thực sự, niềm tin tiềm tàng trong nó một sức mạnh lớn lao hơn ta tưởng. Chính nhờ có niềm tin, con người có thể tạo nên những kì tích tưởng chừng không thể đạt được. Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã được nghe câu chuyện về huyền thoại Roger Bannister - người đã bác bỏ niềm tin sai lầm rằng con người không thể nào chạy được một dặm trong vòng ít hơn bốn phút và sau đó đã xuất sắc chứng minh điều ngược lại. Chỉ với niềm tin mãnh liệt rằng việc chạy một quãng đường xấp xỉ 1,6 km là hoàn toàn có thể thực hiện được trong vòng chưa đầy bốn phút, cộng với những buổi rèn luyện gắt gao về thể chất và tinh thần, kỷ lục gia này đã đạt được một điều tưởng như vượt quá giới hạn của một con người. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây không nằm ở khả năng chạy của Roger Bannister, mà nằm ở những số liệu đáng kinh ngạc trong vài năm sau khi kỷ lục của ông gây được tiếng vang lớn: trong một năm sau đó, có thêm 37 người nữa cũng làm được điều này và trong năm tiếp theo, con số này đã tăng gấp 10 lần khi có 300 người khác tiếp tục chinh phục thành công giới hạn tưởng như phi thường ấy. Rõ ràng, vấn đề ở đây không phải là khả năng và thể lực của Roger Bannister hay bao người tham gia thi chạy khác, bởi thực chất, khả năng và giới hạn chịu đựng của con người thì từ bấy lâu nay vẫn luôn như vậy, nếu chúng ta cho rằng mình chỉ có thể làm được đến thế, thì ta sẽ không vận dụng hết sức bình sinh ra để đạt được điều gì hơn thế, và khả năng thực sự của ta vẫn sẽ nằm lại đó như nước trong chiếc bể chưa được rút hết. Điều đột phá ở đây chính là ở việc ta có biết dùng sức mạnh của niềm tin làm chiếc máy bơm để rút hết nước trong bể hay không.
Lấy lại được sức mạnh niềm tin từ trong nội tại đã khó, nhưng việc tạo dựng niềm tin bền vững, chặt chẽ trong quan hệ xã hội lại càng khó khăn hơn. “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Con người khi sinh ra, trong hình hài của một đứa trẻ, vốn đã luôn ẩn chứa trong mình những gì tốt đẹp nhất mà họ vốn phải có: lòng nhân hậu, sự vị tha cùng vô vàn đức tính cao quý khác. Nhưng có lẽ, chỉ vì những tác động từ bên ngoài, sự méo mó, éo le của hoàn cảnh, mà niềm tin thiêng liêng của chúng ta bị tổn thương, xâm hại một cách ghê gớm. Những người ăn xin lợi dụng lòng thương hại của người qua đường, lừa dối họ để có miếng ăn mà không phải cật lực làm việc như những người khác. Và rồi, còn biết bao trò lừa đảo bịp bợm được dựng lên, đánh vào tình thương - vốn là một bản năng rất tự nhiên, thuần túy của con người, nhằm mưu cầu cái lợi cho cá nhân. Tôi vẫn luôn tin rằng, chúng ta không dễ dàng gì mà trở nên xấu xa, vô cảm đến như vậy bởi chúng ta vốn đã tốt bụng, lương thiện từ khi mới sinh ra. Tuy nhiên, khi chứng kiến sự tin tưởng của mình đặt vào những người xung quanh đã bị chà đạp không thương tiếc, chúng ta mới trở nên dè chừng hơn trong việc ban phát niềm tin quý giá của mình, và từ đó bị gán cho cái mác “vô cảm” mặc dù thực tế không hẳn là như vậy.
Sự chân thành – chìa khóa mở cánh cửa của niềm tin
Niềm tin trong chúng ta chưa hẳn là đã mất đi, và cũng không thể mất đi, mà chẳng qua là chưa có đủ các tác nhân để khơi gợi lại nó.
Vậy mấu chốt ở đây là gì? Hãy trở nên chân thành hơn.
Chân thành trong cách đối nhân xử thế, giao tiếp với người khác để tạo sự tin cậy, để mỗi người không cảm thấy nghi ngại khi đặt niềm tin vào bất cứ ai xung quanh mình.
Chân thành trong những suy nghĩ, lý tưởng của chính mình, để luôn luôn tin tưởng bản thân và sống hết mình với những gì mình đã lựa chọn.
Niềm tin là thứ đã, đang và sẽ níu kéo mỗi chúng ta trở lại với cuộc sống này, khiến mỗi ngày thức dậy là một ngày đầy ắp niềm vui, hạnh phúc và cả những điều dung dị, giản đơn mà đẹp đẽ. Một khi đã có niềm tin vào thế giới xung quanh và cả chính bản thân mình, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên thật ý nghĩa như nó vốn phải thế.
“We are born believing. A man bears beliefs as a tree bears apples.” – Ralph Waldo Emerson.
Tác Giả: Chau Do, Học sinh
Nơi bán loa kéo chuyên karaoke với giá cạnh tranh thị trường.
Trả lờiXóa